Compass Rose - Napoleon Hill nói về BỀN BỈ (3) |
Hãy đứng lên sau những vấp ngã Những người nhận thức được từ kinh nghiệm tầm quan trọng của sự bền bỉ chỉ chấp nhận thất bại một cách tạm thời. Họ là những người luôn giữ được khát khao bền bỉ đến mức mọi thất bại cuối cùng cũng biến thành chiến thắng. Chúng ta đã thấy vô số những người gục ngã sau thất bại và không bao giờ có thể gượng dậy được nữa. Chúng ta chỉ thấy một số ít người biết đón nhận sự trừng phạt của thất bại như một lời thúc giục cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Nhưng những gì mà chúng ta không thấy và phần đông chúng ta không bao giờ hoài nghi về sự tồn tại của nó là một nguồn sức mạnh thầm lặng nhưng không thể cưỡng lại được. Chính nguồn sức mạnh đó là yếu tố nâng đỡ những người đang phải chiến đấu với sự chán nản và ngã lòng. Nếu phải gọi tên sức mạnh này, chúng ta nên gọi nó là sự bền bỉ. Một điều chắc chắn rằng nếu một người không có sự bền bỉ, người đó sẽ không thể nhận được thành công đáng kể trong bất kỳ nghề nghiệp nào. Trong khi đang viết những dòng chữ này, tôi có thể đưa mắt qua cửa sổ và nhìn thấy cách đó chưa tới một khu nhà là khu sân khấu kịch nghệ nổi tiếng nhất thế giới: Broadway vĩ đại và bí ẩn. Người ta gọi nó bằng cả cái tên: “Ngôi mộ của những niềm hy vọng đã chết” lẫn “Cánh cổng phía trước của cơ hội”. Từ khắp nơi trên thế giới, người ta đã đến Broadway để tìm kiếm danh vọng, tiền tài, quyền lực, tình yêu hay bất cứ thứ gì con người gọi là thành công. Thi thoảng mới có ai đó đi hết chặng đường dài của quá trình tìm kiếm để được thế giới công nhận là đã vượt qua được cửa ải Broadway. Nhưng Broadway không dễ dàng và nhanh chóng bị chinh phục đến thế. Nó chỉ thừa nhận những tài năng thực sự và trả công xứng đáng cho họ chỉ sau khi người đó không chấp nhận bỏ cuộc. Bí quyết chinh phục Broadway luôn gắn liền với một từ: bền bỉ. Tự khám phá sự bền bỉ của bạn a. Mục đích rõ ràng: Biết mình muốn gì là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phát triển sự bền bỉ. Một động cơ mạnh mẽ giúp ta vượt qua được nhiều ghềnh thác. b. Khát vọng: Sự bền bỉ có thể đạt được và duy trì khá dễ dàng nếu bạn theo đuổi một mục đích mà bạn khát khao mãnh liệt. c. Sự tự lực: Tin vào khả năng của bản thân có thể tiến hành một kế hoạch khuyến khích bạn theo đuổi kế hoạch đó với sự bền bỉ. (Tính độc lập có thể được phát triển qua nguyên tắc được miêu tả trong Chương 3 về tự kỷ ám thị). d. Kế hoạch rõ ràng: Những kế hoạch được tổ chức, dù lỏng lẻo và hoàn toàn không thực tế, cũng khuyến khích sự bền bỉ. e. Có hiểu biết đúng đắn: Biết được rằng những kế hoạch của mình là đúng đắn dựa trên kinh nghiệm và sự quan sát cũng khuyến khích sự bền bỉ; “suy đoán” thay cho “hiểu biết” sẽ tiêu diệt sự bền bỉ. f. Sự hợp tác: Cảm thông, thấu hiểu và hợp tác với những người khác chó khuynh hướng phát triển với sự bền bỉ. g. Sức mạnh ý chí: Thói quen tập trung suy nghĩ vào xây dựng kế hoạch để đạt được một mục đích rõ ràng cũng dẫn đến sự bền bỉ. h. Thói quen: Sự bền bỉ là kết quả trực tiếp của thói quen. Tâm trí hấp thu và trở thành một phần của những trải nghiệm hàng ngày dựa trên những gì mà nó nuôi dưỡng. Sự sợ hãi – kẻ thù tệ hại nhất – có thể được khắc chế một cách hiệu quả bằng những hành động dũng cảm lặp đi lặp lại. Những người đã từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh đều biết rõ điều này. Hãy tự khám phá bản thân bạn và xác định xem những động lực nào bạn còn thiếu để có được phẩm chất rất quan trọng này. Hãy đánh giá bản thân bạn một cách dũng cảm, từng điểm một, để xem bạn thiếu bao nhiêu yếu tố trong tám yếu tố trên. Sự phân tích này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và biết những gì bạn cần có để có thể tiến lên. Napoleon Hill – trích trong Cách nghĩ để thành công |
Nhận xét
Đăng nhận xét