TƯ DUY TÍCH CỰC (1)

Compass Rose - Shiv Khera nói về TƯ DUY TÍCH CỰC 


Image
Cách xây dựng thái độ sống tích cực
Dù chuyện gì xảy ra chăng nữa cũng không quan trọng bằng thái độ của ta trước sự việc đó, bởi thái độ quyết định sự thành bại.
 - Norman Vincent Peale -
Thái độ hình thành từ tuổi ấu thơ và ảnh hưởng suốt đời người. Nếu tính khí bẩm sinh kết hợp với những trải nghiệm thời thơ ấu mang đến cho bạn thái độ tích cực thì bạn là người may mắn. Ngược lại, nếu thái độ tiêu cực, có thể do bẩm sinh hay do môi trường đeo đẳng bạn thì liệu thái độ ấy có theo bạn suốt đời không? Dĩ nhiên là không. Bạn vẫn có thể thay đổi! Mặc dù không dễ, nhưng đáng phải làm như vậy.
Vậy, chúng ta có thể xây dựng và duy trì thái độ tích cực bằng cách nào?
- Có ý thức về những nguyên tắc hình thành thái độ tích cực
- Mong muốn trở thành người tích cực
- Trau dồi tính kỷ luật và tập trung thực hiện những nguyên tắc ấy
Với người trưởng thành, cho dù môi trường, điều kiện giáo dục và trải nghiệm sống ra sao thì chính họ phải là người chịu trách nhiệm trước thái độ và cách hành xử của bản thân. Thái độ sống hàng ngày như thế nào tuỳ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Người có thái độ tiêu cực thường tìm cách đổ lỗi cho người khác – bố mẹ, thầy cô, chồng (vợ), cấp trên, số phận, xui xẻo, chính sách kinh tế,v.v.
Cần đoạn tuyệt với thái độ sống ấy để hoà nhập vào dòng chảy tích cực của cuộc đời. hãy nhìn nhận lại những ước mơ của mình một cách nhất quán và bắt tay vào hành động. Suy nghĩ một cách lạc quan, chân thành và sống hết mình, đó chính là cách giúp bạn hình thành thái độ tích cực.
8 BƯỚC GIÚP THAY ĐỔI THÁI ĐỘ
Để xây dựng và duy trì thái độ tích cực, bạn cần tập trung thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thay đổi trọng tâm cuộc sống -  tìm kiếm giá trị tích cực
ImageBạn phải là người đi tìm cái tốt trong đời sống bằng cách tập trung vào mặt tích cực. Bắt đầu từ việc tìm kiếm điều tốt, hợp lý ở con người hoặc tình huống cụ thể thay vì chỉ để ý đến những cái xấu. Do bản năng và quán tính, phần lớn chúng ta hay bắt lỗi và chú trọng cái sai của người khác mà quên nhìn nhận giá trị tích cực của họ.
Tìm vàng
Andrew Carnegie, người gốc Scotland di cư sang Mỹ từ nhỏ. Ông từng làm đủ mọi việc trước khi trở thành một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Hoa Kỳ. Có thời điểm, 43 nhà triệu phú cùng làm việc cho ông. Ngày nay một triệu đô-la vẫn là số tiền lớn, vào thập niên 1920 nó có giá trị gấp nhiều lần.
Có người từng hỏi Carnegie về cách đối nhân xử thế của ông. Andrew Carnegie trả lời đơn giản rằng: “Đối nhân xử thế cũng giống như việc tìm vàng. Tìm một ounce vàng thôi nhưng người ta phải di dời hàng tấn đất đá”.
Thật vậy, đôi khi bản tính tốt đẹp của con người vì một lý do gì đó mà bị chìm lấp, chúng ta cần đào sâu để tìm cho được giá trị tích cực ở họ.
Bản chất tốt đẹp chính là thứ vàng ròng ẩn giấu trong mỗi con người. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của người khác, ta sẽ chẳng bao giờ thấy được. Đấy là chưa kể ta sẽ phải sống trong tâm trạng bực dọc, khó chịu.
Xét nét người khác
Một số người gặp chuyện gì cũng chỉ trích. Dù sự việc tiến triển hết sức tốt đẹp, họ vẫn tìm cách bắt lỗi. Có thể xem họ là những chuyên gia trong việc chỉ trích vì họ phê bình như thể đang tranh giải thưởng. Kiểu người này có thể xuất hiện trong bất cứ gia đình hoặc môi trường làm việc nào. Họ đi loanh quanh, không ngừng ca cẩm và đổ lỗi cho mọi người. Họ chính là nguyên nhân hút cạn năng lượng sống của những người xung quanh. Họ ra quán nước, uống café hoặc hút thuốc lá liên tục vì cái cớ: họ đang cố gắng thư giãn. Thực chất, họ chỉ gây thêm căng thẳng cho chính mình và những người xung quanh mà thôi. Những thông điệp tiêu cực từ họ giống như một thứ bệnh dịch, dần dần hình thành môi trường chỉ toàn đem lại kết quả tiêu cực.
Robert Fulton – nhà phát minh tàu hơi nước, có lần tổ chức triển lãm phát minh của mình trên bờ sông Hudson. Trong số đám đông tụ tập quan sát sự kiện này, có kẻ hoài nghi cho rằng con tàu sẽ chẳng bao giờ chạy được. Nhưng thật kỳ lạ, tàu đã chạy. Khi tàu đang xuôi dòng, dù tận mắt chứng kiến điều đó, kẻ hoài nghi kia vẫn hét toáng lên là tàu không bao giờ ngừng được. Quả là thái độ vô lý!
Một anh thợ săn tậu được chú chó tài ba, biết đi trên nước. Anh nôn nóng chờ dịp khoe khoang báu vật của mình với bạn bè. Anh rủ một người bạn cùng đi săn vịt trời. Một lúc sau, họ bắn hạ được vài con và anh lập tức ra lệnh cho chú chó đem con mồi về. Suốt ngày hôm đó, mỗi khi cần đem mồi về, chú chó lại chạy trên nước để thực hiện ý chủ. Anh thợ săn sốt ruột chờ bạn mình có lời khen hoặc nhận xét về khả năng kỳ diệu ấy, nhưng tuyệt nhiên bạn anh không nói một lời. Khi cả hai cùng về nhà, anh mới hỏi bạn có thấy gì khác lạ ở con chó này không. Người ấy đáp: “Có chứ, đúng là mình thấy nó có điều khác thường. Con chó của cậu không biết bơi”.
ImageCó những người lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cái tiêu cực. Họ là ai? Sau đây là đặc điểm của họ - những người bi quan:
- Mất vui khi không có vấn đề gì cho họ chỉ trích.
- Bực mình khi trong lòng thấy thoải mái. Họ sợ rằng cảm xúc sẽ xấu đi sau những giây phút vui vẻ bất thường.
- Phần thưởng lớn thời gian chỉ dành cho than phiền.
- Không biết tận hưởng sức khoẻ của bản thân vì cứ nghĩ ngày mai mình sẽ bị ốm
- Không chỉ cầu mong điều xấu xảy ra mà còn khiến mọi việc tồi tệ hơn.
- Chỉ thấy thiếu sót mà không nhìn ra cơ hội tiềm ẩn.
- Tin rằng chuyện tốt đẹp cũng mau chóng thành tin xấu mà thôi.
- Quên mất phúc lộc đang có mà chỉ chú trọng rắc rối.
- Biết sự nỗ lực rất ích lợi cho mọi người nhưng luôn tự hỏi “Sao mình phải cố vậy?”.
Lưu ý: Tìm giá trị tích cực không có nghĩa là xem nhẹ sai lầm.
Trở thành người lạc quan
Làm thế nào để trở thành người lạc quan? Đoạn văn sau đây trong quyển “The Best of…Bits and Pieces” của Christian D.Larsen sẽ là lời giải đáp cho bạn:
Hãy mạnh mẽ để không gì có thể khuấy động sự bình yên trong lòng. Nói chuyện về sức khoẻ, hạnh phúc và sự thành đạt với những người mình gặp. Gieo vào lòng bạn bè cảm giác mình trân trọng phẩm chất tốt đẹp và sở trường của họ. Luôn nhìn sự việc ở khía cạnh tươi sáng. Nghĩ và làm những gì tốt đẹp nhất. Nhiệt tình chia sẻ niềm vui thành công của người khác như thể mình đang đón nhận thắng lợi. Quên đi lỗi lầm quá khứ và nỗ lực hòng gặt hái thành quả lớn hơn trong tương lai. Mỉm cười thân thiện với mọi người. Dành nhiều thời gian hoàn thiện bản thân để không còn thời gian rảnh rỗi phê bình người khác nữa. Hãy là người rộng lượng, không bận tâm âu lo, hãy cao thượng và không bao giờ nổi giận.
   Shiv Khera – trích trong Bí quyết của người chiến thắng

Nhận xét