Compass Rose - Shiv Khera nói về TƯ DUY TÍCH CỰC (3) |
8 BƯỚC GIÚP THAY ĐỔI THÁI ĐỘ Bước 3: Xây dựng thái độ biết ơn Chúng ta thường than phiền về những điều không có đến mức quên đi những giá trị mình đang có. Cuộc sống có rất nhiều điều đáng để biết ơn. Vì vậy, hãy tận hưởng và cám ơn những phúc lành ta đang được đón nhận. Quan tâm đến những điều tốt lành ta đang có không có nghĩa là tự mãn. Hiểu được thông điệp ấy, bạn sẽ biết lắng nghe một cách có chọn lọc. Xin nêu ví dụ lắng nghe có chọn lọc qua câu chuyện kể của một vị bác sĩ sau đây. Được mời nói chuyện với một nhóm người nghiện rượu, vị bác sĩ này muốn tạo ấn tượng để khán giả nhận thức rõ tác hại của bia rượu đối với sức khỏe. Ông lấy hai chiếc ly, một cái đựng nước sạch và một cái chứa rượu. Ông thả một con giun vào ly nước sạch, nó bơi ngoe ngoảy rồi ngoi lên mặt nước. Ông thả chú giun khác vào ly rượu, thân thể nó nhanh chóng rã rời ngay trước mắt mọi người. Sau thí nghiệm chứng minh bia rượu cũng có tác hại tương tự đối với nội tạng con người, ông đề nghị những người tham dự đưa ra suy nghĩ của họ. Ngay lập tức, một người ở hàng ghế cuối đáp: “Nếu uống rượu thì đâu có bệnh giun”. Đó có phải là thông điệp mà người bác sĩ muốn đưa ra hay không? Tất nhiên là không. Điều này cho thấy, người ta chỉ nghe điều mình muốn nghe chứ không đón nhận nội dung được truyền thụ. Bước 4: Học hỏi suốt đời Nhiều người xưa nay vẫn cho rằng chúng ta được giáo dục nhờ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Khi tham dự một số hội thảo quốc tế, tôi thường hỏi khán giả: “Thực sự chúng ta có được giáo dục trong nhà trường phổ thông và đại học không?”. Câu trả lời đa phần là không. Vậy ý nghĩa đích thực của giáo dục là gì? Giáo dục trí tuệ ảnh hưởng đến nhận thức, còn giáo dục trên nền tảng giá trị tác động vào trái tim con người. Khi giáo dục không tập trung vào trái tim, nó có thể sẽ dẫn đến nhiều hiểm họa. Khi muốn xây dựng nhân cách ở công sở, gia đình và xã hội, ta phải đạt được văn hóa đạo đức và luân lý ở mức độ tối thiểu nào đó. Nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là xây dựng cho con người những đức tính tốt đẹp như lương thiện, vị tha, can đảm, nhẫn nại và trách nhiệm. Có thể không cần thêm giáo dục mang tính học thuật nữa; nhưng rất cần một nền giáo dục đi sâu vào giá trị con người. Lý do là vì giáo dục đạo đức luôn là hành trang đắc lực giúp con người thăng tiến và thành đạt trong đời, khác với những kẻ có kiến thức học thuật cao siêu nhưng tinh thần sa đọa. Giáo dục không đi sâu vào giá trị nhân phẩm Nền giáo dục chân chính là nền giáo dục đào tạo con người cả về khối óc lẫn trái tim. Kẻ trộm thiếu học thức có thể chỉ trộm đồ ở toa chở hàng, nhưng nếu có học vấn, tên trộm ấy có thể tính chuyện trộm cả đoàn tàu. Điều chúng ta cần thi đua ở nhà trường chính là kiến thức, sự thông tuệ chứ không phải điểm số. Kiến thức là thực tiễn được đúc kết, sự thông tuệ chính là khả năng vận dụng kiến thức đơn giản hóa vào cuộc sống. Có người đạt điểm cao, bằng cấp giỏi nhưng kiến thức trong đầu chẳng có bao nhiêu. Ngày nay, không ít người vẫn còn hiểu nhầm giáo dục với khả năng ghi nhớ sự việc. Khi giáo dục không dựa trên các giá trị đạo đức, nó sẽ tạo ra những kẻ lập dị trong xã hội. Kiến thức chưa hẳn đã là sức mạnh Ta vẫn thường nghe nói kiến thức là sức mạnh. Không hẳn vậy. Kiến thức là những thông tin cần thiết và nó chỉ phát huy sức mạnh khi được chúng ta vận dụng vào thực tiễn. Người không biết đọc chữ và người biết chữ nhưng không đọc khác nhau như thế nào? Nói như Ben Franklin thì: “Chẳng khác nhau là mấy!” Học tập cũng khá giống việc ăn uống. Ăn nhiều thế nào không quan trọng mà vấn đề là ta tiêu hóa được bao nhiêu. Giáo dục có nhiều hình thức chứ không chỉ thể hiện qua điểm số bằng cấp. Giáo dục là : + Trau dồi sở trường cá nhân + Rèn luyện kỷ luật tự giác + Lắng nghe + Nhiệt tình học hỏi Đầu óc con người cũng như cơ bắp vậy, tâm trí phát triển hay cùn mòn đi đều tùy thuộc vào mức độ được rèn luyện ít hay nhiều. Nuôi dưỡng tinh thần Hằng ngày cơ thể chúng ta cần thức ăn bổ dưỡng, đầu óc chúng ta cần có những suy nghĩ tốt đẹp. Nếu chỉ nuôi dưỡng cơ thể bằng tư tưởng xấu, những gì ta nhận được sẽ là một cơ thể ốm đau và một tinh thần bệnh hoạn. Hãy nuôi dưỡng tinh thần mình bằng những tư tưởng trong sáng, tích cực,lành mạnh để vững vàng trong cuộc sống. Giáo dục tích cực, liên tục sẽ đưa đến tư duy tích cực. Người có tư duy tích cực cũng giống như vận động viên nhờ khổ luyện mà tạo cho mình sức bền nội tâm dự trữ để dùng khi thi đấu. Không tập luyện họ sẽ chẳng có vốn liếng để xoay xở. Tương tự, kho dự trữ của người tư duy tích cực được hình thành từ quá trình nuôi dưỡng đầu óc bằng những suy nghĩ trong sáng, không ngừng trau dồi điều hay lẽ phải. Họ hiểu đã là con người, ai cũng có lúc phải đối diện với khó khăn; nhưng chúng ta luôn có thể vượt qua nếu không ngừng rèn luyện. Người tư duy tích cực không phải là kẻ khờ, cũng không sống theo kiểu che tai bịt mắt, mà họ là người biết nhận ra giới hạn của bản thân, đồng thời biết tập trung vào sở trường của mình. Trái lại, người thua cuộc ý thức đươc điểm mạnh của mình nhưng lại bị ám ảnh quá nhiều vì điểm yếu. Shiv Khera – trích trong Bí quyết của người chiến thắng |
Nhận xét
Đăng nhận xét