Henry Ford, một “Cỗ máy được sinh ra” (Phần I)

Tiềm ẩn một tài năng, lòng hiếu kỳ và một niềm say mê máy móc ngay từ nhỏ. Henry Ford “muốn làm ra các thứ, muốn lấy vật liệu và biến chúng thành cái gì đó di chuyển được, hay thành những dụng cụ giúp làm ra các thứ khác…”, sự thôi thúc đó đã dẫn dắt ông trong suốt cuộc đời, và có lẽ đó chính là chìa khóa đem đến sự thành công của Henry Ford sau này.

Gần một thế kỷ trôi qua, kể từ khi chiếc xe hơi đầu tiên ra đời đến nay, với phong cách độc đáo của riêng mình, xe hơi của Henry Ford đã chạy khắp mọi ngõ ngách trên thế giới, đã đi vào đời sống của mọi người như một phương tiện thiết yếu. Henry Ford được xem là “Ông Vua Xe Hơi” của nước Mỹ.


Đam mê là 90% thành công của "Vua Xe hơi"
Henry Ford sinh ngày 30 tháng 07 năm 1863 tại một trang trại vùng Greenfield, thuộc tiểu bang Michigan. Năm 1843, gia đình ông từ Ireland di cư sang Mỹ. Cha ông là chủ một trang trại chuyên việc đồng án. Nhưng ngay từ lúc còn bé, Henry đã không thích cầm cây cuốc để làm nông nghiệp, ông chỉ ưa thích máy móc. Ngày sinh nhật mọi người tặng cho Henry chiếc đồng hồ, chú nhỏ say sưa ngắm nhìn sự vận hành của cỗ máy đếm thời gian ấy, sự chuyển động của các bánh cóc, bánh răng, lò xo và quả lắc. Cậu còn tháo tung ra làm thành động cơ cho xe giấy chạy.

Lòng hiếu kỳ của Henry rất mãnh liệt. Sở thích mở tung các loại máy móc của ông không chỉ giới hạn trong những chiếc đồng hồ đeo tay, mà ông còn mở tung tất cả những nông cụ mới mẻ. Trong phòng riêng của Henry luôn cất giữ bảy món “vũ khí bí mật”. Trong ngăn kéo của chiếc tủ đầu giường được cất giữ có ngăn nắp nào là máy khoan lỗ, giũa, búa, bu-long, cưa, cây vít vặn và những ốc vít. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên là lúc ấy Henry mới lên 7 tuổi trong một lần theo cha tới thành phố Detroit, tại nhà ga, lần đầu tiên Henry nhìn thấy đầu máy xe lửa. Đối với “con quái vật” này ông cảm thấy hết sức hứng thú, khiến người trưởng đoàn xe tốt bụng đành phải cho ông lên đầu xe lửa, mở máy cho đầu xe chạy tới chạy lui. Henry vui thích ngồi trên chiếc ghế điều khiển, đưa tay kéo còi vang rền. Có lẽ trong cả cuộc đời, Henry Ford không bao giờ quên hai người, người công nhân làm công trong gia đình đã cho ông mở tung chiếc đồng hồ đeo tay của mình và người kia là viên trưởng xe đã cho phép ông ngồi lên đầu máy xe lửa.

Sau khi trở về nhà, Henry bắt đầu chế tạo một động cơ máy hơi nước nhỏ ở tại trường học của mình. Nhưng ông đã gây ra một sự cố khá nghiêm trọng, chiếc động cơ bằng máy hơi nước bị nổ tung, khiến mảnh đồng, pha lê, sắt bay tung toé, cắt đứt môi ông, làm bị thương khá nặng một người bạn và làm sập hàng rào nhà trường. Tuy nhiên đối với sự thất bại này không hề làm cho Henry tỏ ra thất vọng, ngược lại ông xem đó là kinh nghiệm đầu tiên đối với việc chế tạo động cơ, và tin chắc “động cơ hơi nước của tôi vẫn còn có hy vọng thành công”.
Sau sự kiện Henry cho ra đời một động cơ máy hơi nước nhỏ ở cái tuổi vừa lên 7, đã làm cho ông nổi tiếng khắp làng là một thiên tài bé nhỏ. Chính niềm say mê máy móc và sự thôi thúc muốn làm ra các thứ, cùng với đức tính nhẫn nại, dũng cảm và tự rèn luyện là “chín mươi phần trăm bí mật trong sự thành công của Henry Ford”.

Vợ và ý tưởng của lòng đam mê
Năm 1879, Henry đến thành phố Detroit, vào làm thợ học việc tại xưởng xe Michigan. Ông chỉ làm được có 6 ngày thì bị đuổi. Nguyên nhân là do ông sửa chữa những cỗ máy hư một cách quá dễ dàng mà những người thợ lâu năm ở đây cũng không làm nhanh như thế được. Nhưng Henry vẫn không nản lòng, ông rút ra được một bài học: “Bất luận làm một việc gì đều không thể phơi bày hết những điều mình hiểu biết ra cho mọi người thấy!”.

Sau đó, Henry đến làm việc cho một nhà máy động cơ hơi nước. Ban ngày đi làm, buổi tối ông làm thêm công việc sửa chữa đồng hồ vì thích hơn là vì tiền. Chính thời gian này, ông chợt nãy ý định xây dựng doanh nghiệp riêng cho mình, một cơ sở chế tạo đồng hồ. Nhưng khi bắt tay vào tính toán chi phí và tìm hiểu thị trường, ông đã từ bỏ ý định đó. Ông quyết định là cần phải làm ra số lượng lớn để giá cả được hạ, nhưng “đồng hồ chẳng phải là thứ thiết yếu phổ biến, và do đó nói chung người ta sẽ ít mua nó”. Những nhận xét này của Henry cho thấy ông đã mang trong đầu ý nghĩ sẽ giúp ông vinh quang về sau. “Nếu bạn có thể tìm được cách làm ra cái gì đó mà mọi người cần với giá rẻ, bạn đang có những bước khởi đầu của một công cuộc làm ăn phát đạt”. Về sau ông còn nói thêm – “người ta không luôn luôn biết những gì họ cần đâu cho đến khi bạn nói cho họ biết”.
Tuy nhiên, năm 1884 Henry Ford đành gác lại những đam mê của mình, trở về quê cùng cha quản lý trang trại. Trong thời gian này, Henry gặp Clara Bryant xinh đẹp trong một buổi khiêu vũ. Điều làm cho Clara chú ý nhiều đến Henry là chiếc đồng hồ đeo tay của ông có 4 kim do chính ông chế tạo. Trên mặt đồng hồ có một cây kim dài và một cây kim ngắn chỉ thời giờ tại địa phương, còn hai cây kim khác dùng để chỉ giờ chuẩn mà ngành đường sắt lúc bấy giờ đã bắt đấu thực thi. Đồng thời cô cũng bị cuốn hút bởi những ý tưởng kinh doanh và các ước mơ của Henry. Ngày 11 tháng 4 năm 1888, cả hai trở thành vợ chồng.
Tuy đã yên bề gia thất, nhưng một lần nữa cuộc sống nông thôn lại làm ông buồn khổ. Henry cảm thấy nản chí vô cùng khi cứ phải loay hoay nơi trang trại, xa thị thành, trong lúc nền khoa học kỹ thuật trên thế giới lại đang diễn ra sôi động. Niềm đam mê sáng chế một lần nữa thôi thúc ông bước vào cuộc nghiên cứu mới và những phát minh mới. Cuối cùng vào năm 1891, ông và Clara chất đồ đạc lên một chiếc xe ngựa lên đường đến Detroit để thực hiện ý tưởng của mình.

Chiếc "Bốn Bánh"
Henry Ford mot Co may duoc sinh ra Phan I

Rời nông trại lên Detroit, Henry gặp một người bạn thợ trước đây và đã giúp ông kiếm được một chân kỹ sư trong Công ty Điện Edison Detroit, một công ty đầu đàn trong ngành điện khí. Henry nắm bắt công việc mới một cách nhanh chóng đến độ mới 4 năm ông đã trở thành kỹ sư trưởng của nhà máy.
Nhưng niềm say mê động cơ xăng vẫn luôn hiện diện mãi trong ông. Vì thế sau giờ làm việc Henry dành trọn thời gian để mày mò, nghiên cứu. Vào một buổi tối cuối tuần, một phát thảo về động cơ đốt trong (Moteur Diesel) đã ra đời. Trong niềm vui sướng tột cùng, Henry đã reo lên như một đứa trẻ: “Chính là nó đây! Clara ơi! Đây chính là cấu tạo của một chiếc xe hơi mà anh đang thiết kế”. Đúng vậy, đó là “tuyên ngôn” về việc chế tạo xe hơi của Henry.

Lúc đầu là trong nhà bếp, rồi về sau là trong nhà kho, Henry tiến hành công việc thật cẩn trọng và hết sức tỉ mỉ để xây dựng một cỗ máy bằng tay tư đầu chí cuối. Mỗi phần trong từng bộ phận đều phải được làm cho vừa khớp, phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Mọi trục trặc đều phải tự suy nghĩ và giải quyết. Trải qua 2 năm chăm cần nghiên cứu thí nghiệm, vào lúc 2 giờ sáng của tháng 6 năm 1896, ông đã vặn con bu-lon cuối cùng vào cỗ xe hơi đầu tiên của mình, sẵn sàng cho nó lăn bánh. Rạo rực muốn nhìn thấy chiếc xe khởi động như thế nào, nhưng lúc ấy trời lại mưa. Không thể chờ cho đến lúc trời tạnh, và thế là mới 4 giờ sáng, chiếc xe của Ford đã lăn những vòng bánh đầu tiên trên các con đường trơn ướt của Detroit.
Chiếc xe hơi đầu tiên của Ford có vóc dáng không được đẹp lắm, chạy bằng bánh xe đạp, lái bằng dây cao su nối vào động cơ đặt ở đằng sau. Henry gọi nó là chiếc “Bốn Bánh”. Cảnh “Ford Khùng”, như người ta vẫn gọi, lái chiếc xe kỳ cục đi vòng vòng, đôi khi có cả Clara và đứa con trai của họ – Edsel, sau ba năm đã trở nên quen thuộc đối với dân chúng Detroit. Henry cũng đã nghĩ đến chuyện cải tiến một chiếc xe hoàn thiện hơn. Để có tiền, ông bán đi chiếc xe ấy với giá 200 đô la và bắt tay vào làm chiếc thứ hai.
Từ chối chức giám đốc để làm kỹ sư trưởng (!)
Việc Henry lái chiếc xe của mình rảo quanh khắp nơi, và dự định làm ra chiếc xe thứ hai đã làm cho ban lãnh đạo Công ty Edison bắt đầu nghi vấn. Họ không biết ông có còn quan tâm đến công việc một cách chu đáo hay không. Mặc khác cũng mong ông thôi đi chuyện mày mò với những chiếc xe, vì vậy nâng ông lên làm giám đốc nhà máy điện Detroit. Cuộc sống lúc này đã tươm tất hơn, nhưng việc làm ra một chiếc xe hơi khác là điều không thể.

Thế nhưng, niềm đam mê chế tạo không ngừng thôi thúc ông. Sau nhiều đêm trằn trọc với nỗi khó khăn của mình, ông nói: “Tôi đã phải chọn lựa giữa công việc làm và xe hơi. Tôi chọn xe hơi. Hay nói khác đi tôi rời bỏ công việc”. Tháng 8 năm 1899, 36 tuổi, Ford xin thôi việc ở công ty điện, quyết định mở xưởng chế tạo xe hơi.
Xin thôi việc là điều quá dễ dàng, còn vấn đề mở xưởng đâu phải nói là làm được. Tiền lương tháng trước kia vừa đủ để nuôi gia đình, vay ngân hàng thì người ta không cho vì không có gì để thế chấp. Chỉ có một con đường duy nhất là tìm người ủng hộ và hùn vốn với mình. Qua cuộc sống cần cù và tiết kiệm của Ford, một số doanh nhân địa phương chấp thuận cùng Henry mở Công ty xe hơi Detroit (Detroit Automobile Company) để ông làm kỹ sư trưởng của công ty mới này.
Mặc dù Ford đã thỏa lòng trong việc chế tạo những chiếc xe hơi, nhưng ông lại chẳng có mấy kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh. Quy trình phức tạp của việc tính toán một thành phẩm, bao gồm nguyên vật liệu, số giờ lao động, các hoạt động phí tổn, tiền điện… sau cùng là mức lời để từ đó các nhà đầu tư có thể góp phần vào phát triển việc kinh doanh của công ty, tất cả đều mới mẻ đối với ông.
Còn một chuyện khác thuộc về bản tính của Henry mà ông đã bày tỏ nhiều lần trong cuộc đời mình. Ông là một người theo chủ nghĩa cá nhân, khó làm việc chung với nhiều người khác. Trừ phi những người hùn vốn với ông và các nhân viên đồng ý với ông một trăm phần trăm, còn không thì ông nghi ngờ họ muốn chống đối mình. Chính điều này đã gây đổ vỡ rất nhiều cho một xí nghiệp đầy hứa hẹn. Các quyết định kinh doanh thường là vấn đề của sự thỏa hiệp, của sự cân nhắc các ý kiến khác nhau. Các doanh nghiệp thành công thường là nhờ vào một cá nhân tài năng, nhìn xa trông rộng và kiên quyết, nhưng sự tồn vinh của các doanh nghiệp đó cũng còn nhờ vào sự phối hợp của nhiều người tài năng làm việc chung với nhau. Trong khi đó, nếu bị gây sức ép, đơn giản là Henry sẽ lờ đi những ý kiến trái với ý ông. Rốt cuộc công việc không mảy may phát đạt, công ty bị lỗ vốn nặng. Tháng 11 năm 1900, Công ty xe hơi Detroit phải đóng cửa.
Đây là thời gian đen đủi nhất trong cuộc đời của Henry. Thất nghiệp. Ông không đủ tiền lo cho vợ và con. Cả gia đình dời về sống với bố ông - lúc này đã nghỉ việc đồng án, đang sống tại Detroit. Thế nhưng Henry vẫn không chịu chấp nhận, dù ngay với chính mình, rằng Công ty xe hơi Detroit là một thất bại.

Nhận xét