Henry Ford, một “Cỗ máy được sinh ra” (phần II)


Xưởng sản xuất xe Ford đầu tiên ở nước ngoài
Thất bại đã không bẻ gãy được ý chí của Henry Ford. Mùa hè năm 1902, ông hợp tác với Alexander Malcolmson - một thương gia chuyên bán than đá thành lập công ty Ford Motor Company, với Malcolmson làm chủ tịch và Henry Ford là phó chủ tịch. Lần này Henry tỏ ra cẩn trọng hơn trong việc kinh doanh chung. Ông và Malcolmson cùng ký kết một khế ước để sản xuất loại xe đại chúng. Họ cùng nhau bàn bạc và quyết định, trong bất cứ tình huống nào cũng phải ưu tiên để sản xuất loại xe này.

Với công ty mới, Henry trông nom việc thiết kế, chế tạo còn Malcolmson lo tiêu thụ xe thành phẩm. Sau một thời gian hoàn thành việc thử nghiệm động cơ xe hơi, cũng như việc lắp đặt động cơ và những hệ thống làm việc khác, Công ty xe hơi Ford đã sản xuất được chiếc xe theo kiểu A đầu tiên. Những chiếc xe này được xây dựng từ một sát-xi, tức một khung sắt, ráp dần thành một chiếc xe, qua bàn tay của những nhóm gồm hai hoặc ba thợ cơ khí, thao tác cùng lúc với một cụm bốn chiếc. Những “người tiếp liệu” thì lo mang các linh kiện từ nhà kho đến cho họ. Đối với các thợ máy giỏi nghề, nhiều lúc phải khom người và soài người, điều này sẽ khiến cho công việc bị chậm lại, và có khi phải chờ làm xong một thao tác mới bắt tay sang thao tác mới.

Khi chứng kiến các công đoạn này ở xưởng, Ford bắt đầu nhận ra rằng phải có một phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Ông tiến hành cải tiến việc sản xuất xe Ford là lắp ráp xe trên các bục có thể chạy được từ nhóm thợ này sang nhóm thợ kế tiếp. Điều này làm tăng hiệu năng và sản lượng lên, nhưng xe phần lớn vẫn được làm bằng tay.

Mặc dù có những khó khăn như vậy, nhưng từ thu đông năm 1903 đến mùa xuân năm 1904, Công ty xe hơi Ford đã sản xuất được 650 chiếc xe kiểu A. Sau mẫu xe A là các mẫu cải tiến B, C, F, K, N, R và S tốt hơn, có độ tin cậy cao hơn. Trong vòng 6 tháng ông đã bán ra được 1.700 chiếc xe, và đã thu hút dược sự chú ý của nước ngoài. Mẫu xe A đã vượt sang Đại Tây Dương đến nước Anh, được cấp quyền bán xe Ford trong 5 năm. Nhu cầu của quốc tế đối với các sản phẩm của công ty ngày càng tăng. Năm 1904, mẫu xe A đã được xuất sang Canada và Australia. Cũng trong năm đó Ford motor Company đã tự mình xây dựng một cơ sở ở Canada.

Xe hơi cho "số đông vĩ đại" chứ không chỉ cho người giàu

Kinh nghiệm đã dạy cho Henry một bài học quan trọng. Sản xuất ra xe là một chuyện, nhưng bán chúng lại là chuyện khác. Đối với phần lớn dân chúng, xe hơi là dành cho những người có thế lực. Cái khéo là làm cho mọi người nhận ra rằng họ cũng có thể đi xe hơi được vậy. Cho nên việc làm ra những chiếc xe hơi giá rẻ, dành cho “số đông vĩ đại” là phương châm hoạt động của Ford. Mặc khác, ông cũng nhận ra rằng : “Quan hệ tốt đẹp giữa nhà buôn và khách hàng là yếu tố sống còn đối với tương lai của doanh nghiệp”. Ông nhắm đến việc giữ khách hàng khi họ đã mua sản phẩm, và làm cho việc có được một chiếc xe hơi Ford phải trở thành thói quen trong mọi gia đình.

Vì vậy, ý tưởng sản xuất hàng loạt, có sẵn cho mọi người mua là cần thiết. Thay vì ngồi chờ những khách hàng giàu có đặt mua xe, nhà sản xuất làm ra những chiếc có thể mua liền y như người ta mua những thứ khác vậy. Bằng cách chế tạo xe với số lượng lớn, công nghiệp xe hơi có thể làm cho giá cả hạ đi.

Đây là ý tưởng mang tính cách mạng của công nghiệp xe hơi thời bấy giờ. Bởi những công ty sản xuất xe hơi lúc ấy phát triển dựa trên việc sản xuất xe hơi dành cho người giàu. Vì thế với ý tưởng làm ra những chiếc xe dành cho “số đông vĩ đại”, Ford cho rằng nó phải vừa rẻ, vừa bền, đã tạo nên một cuộc cách mạng công nghiệp mang tính sản xuất lớn, cũng như tính chất tiến bộ trong lịch sử, có sự gợi mở nhất định về mặt tư tưởng cho các nhà kinh doanh về sau.
Từ ý nghĩ đó, Henry quyết định chế tạo mẫu xe T (T Model). Ngày 1 tháng 10 năm 1908, Henry Ford nhanh chóng tung kế hoạch của mình lên các báo. Việc tuyên truyền của ông rất rầm rộ.
Ông muốn giành được sự chú ý không những của công chúng, đối tượng chính của ông, mà còn cả những nhà buôn tại các thị trấn nhỏ, những người có thể trở thành đại lý bán xe Ford trên khắp cùng nước Mỹ. Ngay từ khi hãng xe hơi Ford được thành lập, hãng đã tung ra biểu tượng Ford khá đặc sắc, và từ đó đến nay người ta cũng chẳng sửa đổi nó bao nhiêu. Biểu tượng đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, không thể lẫn với biểu tượng khác được, và đây chính là công cụ tiếp thị đáng giá, tạo cho xe Ford và các phòng triển lãm mang một sắc thái đặc thù. Chỉ trong thời gian một năm, xe hơi kiểu T đã tiêu thụ được đến 6.000 chiếc, lập một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử, thu được lãi ròng so với tổng số tiền tiêu thụ trong vòng 5 năm còn cao hơn 2 triệu mỹ kim. Đó là một trang huy hoàng trong cuộc đời của Henry Ford.

Lãng phí và ham lợi nhuận: điều cấm kỵ của Henry Ford

Henry Ford không chỉ giới hạn tham vọng của mình trên lục địa Bắc Mỹ. Ông tiếp tục xây dựng các quan hệ quốc tế đã có. Năm 1910, khi các mạng lưới đại lý đã được thiết lập xong trên đất Mỹ, xe Ford bắt đầu vươn sang Nhật, Tây Ban Nha, Áo… Người ta bắt đầu xem một trong những mẫu quảng cáo đầu tiên cho mẫu xe T – “Chiếc xe đặt cả thế giới trên những bánh xe”.

Thế là hàng nghìn đơn đặt hàng “bay về” công ty, làm cho Henry phải nghĩ tới việc ứng phó với yêu cầu mới. Phải nâng cao năng lực sản xuất thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Việc đầu tiên là phải thực hiện việc sản xuất xe hơi tiêu chuẩn hóa, qui cách hóa và sản xuất theo phương thức dây chuyền. Kế đó, Henry mua một miếng đất rộng 60 mẫu Anh để xây dựng công xưởng. Trong công xưởng mới này được xây dựng một hệ thống sản xuất dây chuyền theo kiểu từ trên cao xuống. “Thành phẩm sẽ từ trên cao tự động lăn xuống, người thợ không cần động tới”. Như vậy, hệ thống lắp ráp xe hơi theo kiểu dây chuyền đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện. Việc lắp ráp một chiếc xe hơi trước đây từ 12 tiếng 28 phút, nay giảm xuống còn 9 phút. Phương thức sản xuất dây chuyền này có tác dụng rất to lớn đối với hiệu xuất lao động cũng như việc hạ giá thành sản phẩm của xe Ford.

Loại xe hơi kiểu T ra đời vào năm 1908, đến năm 1927 không sản xuất nữa. Trong vòng 19 năm, tổng cộng đã sản xuất được trên 15 triệu chiếc, bình quân mỗi năm sản xuất được 800.000 chiếc, đạt kỷ lục chưa từng có. Trong thời gian cao điểm, loại xe hơi kiểu T chiếm tới 68% thị trường trên toàn thế giới.

Trong thời gian này, Henry vẫn giữ nguyên tắc nghề nghiệp của mình. Kiên trì sản xuất loại xe cho đại chúng bán ra với giá thấp, nhưng tính năng lại ưu việt. Henry là người có tư tưởng kinh doanh độc đáo. Ông cho rằng lãng phí và ham lợi nhuận là hai điều làm cản trở quyền lợi của người tiêu thụ. Cần phải tiêu hao sức người và sức của ít nhất trong quá trình sản xuất, đồng thời phải bán ra với số lợi nhuận thấp nhất, để đạt được số lượng tiêu thụ gia tăng, tức nguyên tắc “lãi ít nhưng tiêu thụ nhiều”. Do vậy, từ năm 1908 loại xe kiểu T có số lượng tiêu thụ ngày càng cao, trong khi giá bán ngày càng thấp. Từ giá 825 Mỹ kim ban đầu, đến năm 1916 giá bán chỉ còn 360 Mỹ kim. Mục tiêu cuối cùng của Công ty Ford là giữ giá thành của xe hơi kiểu T ở mức thấp nhất: 260 Mỹ kim.

Phương pháp lắp ráp xe hơi theo hệ thống dây chuyền đã làm cho sản lượng gia tăng nhanh chóng, đồng thời giá bán liên tục hạ thấp, vì thế số lượng tiêu thụ ngày càng cao. Đến năm 1920, Công ty Ford đã dẫn đầu ngành sản xuất xe hơi trên thế giới. Ngày nay, trong tâm khảm của người Mỹ, Henry Ford có một chỗ đứng rất lớn, được gọi là “Ông vua xe hơi”, là “người anh hùng”.

Nhà cách mạng tiền lương của người lao động
Ngày 7 tháng 1 năm 1917, tại một cuộc họp, Henry đã tuyên bố: “Bắt đầu từ ngày mai, tiền lương ngày của công nhân Công ty xe hơi Ford là 5 đồng/ngày!”. Nếu so với các công ty khác, mức lương của Ford cao hơn khoảng 40%. Henry Ford lại viết thêm một trang sáng chói trong lịch sử chế độ tiền lương, và là một cuộc đại cách mạng trong lịch sử lao công của nước Mỹ. Sóng gió của cuộc đại cách mạng này đã mang tới một ảnh hưởng lớn đối với Châu Âu. Ngày nay, quyết định trên của Công ty Ford vẫn được xem là dấu hiệu nhân ái, quan tâm đến đời sống công nhân. Tuy nhiên việc làm của Henry cũng gặp phải một số dư luận công kích, cho rằng Công ty xe hơi Ford đã đi ngược với lý luận của chủ nghĩa tư bản, rằng Công ty Ford “rõ ràng là muốn phá hoại xã hội tư bản chủ nghĩa”.

Henry Ford hoàn toàn không để ý những sự công kích đó. Ông khẳng định một cách đầy đủ giá trị của lao động, đi đầu trong việc thực thi chế độ Ford là: ông đề xướng chế độ “ngày làm việc 6 tiếng, tuần làm việc 5 ngày”. Hàng loạt chính sách đó chẳng những giúp ông thu gom được một đạo quân lao động tinh nhuệ, mà còn cải thiện được mối quan hệ giữa chủ và thợ.

Henry hiểu một cách sâu sắc về tính quan trọng của việc quan tâm đến đời sống công nhân. Ông từng nói: “Làm việc phải là một sự hưởng thụ lớn nhất trong đời sống, chứ không phải làm cho người ta căm ghét. Đối với những người hết lòng vì công việc, cần phải nhận được một sự thù lao xứng đáng. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, công nhân viên chức không phải chỉ nhận được thù lao cần thiết về mặt vật chất, mà họ còn mong muốn được hưởng một đời sống ấm áp trong gia đình. Đối với những người có sự đòi hỏi về vật chất và tâm linh như thế, họ sẽ càng có nhiệt tình cao hơn trong công việc. Điều đó đối với cá nhân của họ hoặc đối với xã hội đều tốt cả”.

Từ góc độ kỹ xảo kinh doanh xí nghiệp mà xét, Henry xem việc người đầu tư nôn nóng trong vấn đề thu lợi nhuận là một điều thiếu sáng suốt. Công ty muốn có được một lợi nhuận tối đa, thì cần phải điều động tính tích cực của toàn thể công nhân viên chức. Và việc chia sẻ quyền lợi một cách xứng đáng cho họ, chính là cách lựa chọn tốt nhất để đạt đến mục tiêu nói trên. Henry Ford tự cho rằng Công ty Ford cần phải là nơi tiêu biểu cho mức sống của công nhân trong toàn quốc, thậm chí phải là mục tiêu mà các quốc gia khác cùng theo đuổi.

77 năm khẳng định một gia tộc
Sự thành công và vinh dự có thể làm cho một người càng thêm phấn chấn, nhưng cũng có thể làm cho một người đắc ý vênh váo. Đó là một hiện tượng thường thấy trong đời sống. Vì quá tự tin vào khả năng và tài phán đoán của mình trong công việc, cộng với tính cách quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, Henry đã sa thải những cộng sự đắc lực của mình, những người đã góp phần vào sự đi lên của công ty.

Năm 1929 thị phần xe hơi Ford kiểu T chỉ còn chiếm 31,3% thị trường tiêu thụ xe hơi của nước Mỹ. Đến năm 1940 con số này tụt xuống còn 18,9%, một nguy cơ thất bại đến gần. Đứng trước những khó khăn chưa giải quyết được, trên thị trường lại xuất hiện một đối thủ đang vươn lên là Công ty General Motor. Lúc này Henry Ford đã ở tuổi 80, buộc phải giao trách nhiệm kế thừa sự nghiệp cho Henry Ford II. Chỉ sau 2 năm Henry Ford II đã đưa thu nhập của công ty đạt mức 66.367.000 Mỹ kim tiền lãi ròng. Đến năm 1950 lợi nhuận đã lên tới 2,58 tỷ Mỹ kim.

Công ty xe hơi Ford một lần nữa phát triển đến đỉnh cao. Nhưng Henry Ford II lại cũng đi vào vết xe đổ của ông nội, trở thành người độc đoán và có thái độ đố kỵ đối với người có tài năng. Những “cánh tay” đắc lực của công ty lại lần lượt ra đi, tỷ lệ xe Ford trên thị trường mỗi năm càng tụt xuống. Ford Motor một lần nữa lại đứng trước một cuộc khủng hoảng mới.

Thất bại cũng cho Henry Ford II thấm thía được một điều: “Việc có hại nhất đối với sự tiến bộ và phát triển trong kinh doanh, không phải là những lỗi lầm ở những người trẻ tuổi, mà chính là ở chỗ ngang ngược tàn ác của người tuổi già”. Henry Ford II cũng nhận ra phương thức kinh doanh mang tính gia tộc không còn hợp thời trước sự cạnh tranh quyết liệt của thời đại ngày nay.

Tháng 3 năm 1980, ở tuổi 63, Ford đời thứ hai đã mạnh dạn quyết định từ chức, trao lại quyền kinh doanh cho một chuyên gia quản lý ngoài gia tộc – Philip Kaldwell. Hành động này là một tuyên cáo “kết thúc 77 năm của vương triều Ford”, và một lần nữa gia tộc Ford lại có sự cống hiến mang tính chất khai sáng cho việc phát triển của các xí nghiệp của Mỹ. Năm 1981, Công ty xe hơi Ford lại bước vào thời kỳ thịnh vượng. Đến năm 1994, Ford đứng hàng thứ hai trong số các công ty công nghiệp lớn nhất ở Mỹ, và nghiễm nhiên trở thành thương hiệu thu hút được sự chú ý của toàn thế giới.
Tính đến năm 2003, Ford vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, và mới đây vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1903 – 2003). Sự mạnh mẽ, tính bền bỉ và sự an toàn tuyệt đối, đó chính là môt trong những điều làm nên sự lớn mạnh của Tập đoàn Ford. Ngày nay, nơi chào đời của Henry Ford - Dearborn trở thành một thị trấn phồn vinh rực rỡ, khắp nơi đều tràn ngập màu sắc Ford. Henry với phong cách độc đáo của mình đã để lại cho đời nhiều bài học thật sâu sắc và quý giá.
  • Theo Vietbooks

Nhận xét