[Kịch nói] Mẹ và người tình


Là vở diễn đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009, Mẹ và người tình của sân khấu kịch Phú Nhuận không chỉ để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc, mà còn là bài học đáng suy ngẫm về sự yêu thương...
Trong "Mẹ và người tình", gia đình của bà Xuân luôn tràn ngập sự yêu thương. Ngày sinh nhật bà, các con đã trân trọng chọn những gì quý giá nhất dâng tặng mẹ, không chỉ để bày tỏ tình cảm kính yêu mà còn là sự tri ơn đối với tình yêu cao cả của mẹ.

Đó là một gia đình thành đạt, danh giá. Ninh, con trai trưởng là viện trưởng một viện khoa học, có vợ là con nhà quan chức quyền thế. Vinh, doanh nhân ăn nên làm ra, là "đại gia có số có má". Hùng ngấp nghé trở thành con rể bộ trưởng. Lan xinh đẹp, học hành giỏi giang. Và Dũng, đang du học nước ngoài để trở thành giám đốc công ty của gia đình trong tương lai. Tất cả những thành đạt ấy có được là nhờ sự sắp xếp, tính toán khéo léo của người mẹ. Mẹ và con đều yêu thương tròn đầy, nhưng tại sao, bi kịch vẫn xảy ra?

Cái cớ để xung đột xảy ra trong cái gia đình tưởng như chỉ toàn là hạnh phúc ấy, bắt nguồn từ mối tình già giữa bà Xuân và ông Sơn. Không đồng tình với việc mẹ, một người đàn bà đã bước vào tuổi lục tuần mà còn đi lấy chồng, vì nhiều lý do như sợ xấu hổ, tai tiếng với xã hội, sợ mất ngôi nhà, không muốn mẹ quên người cha đã mất... những người con rất yêu thương mẹ ấy đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản, chia cắt mối tình của mẹ. Những thủ đoạn được tung ra, mỗi lúc mỗi tiến đến cao trào, tinh vi và tàn nhẫn hơn, để rồi những chiếc mặt nạ đạo đức, danh giá cũng lần lượt rơi xuống. Ninh cưới người vợ mà mình không yêu, nhắm mắt cho vợ ngoại tình để leo lên chức viện trưởng; Vinh từ bỏ ước mơ làm diễn viên múa, chấp nhận lấy cô vợ là "con phe thất học" để kiếm tiền; Lan thực dụng, xem hôn nhân như trò đổi chác; Hùng không dám đấu tranh cho mối tình trong sáng của mình... Tất cả đều tuân theo sự sắp xếp của mẹ vì yêu thương người mẹ tảo tần, hy sinh cho con cái, còn với người mẹ, sự lao tâm khổ tứ sắp xếp vuông tròn ấy cũng chỉ vì yêu thương con. Vậy, phải chăng tình yêu thương là thủ phạm tạo ra bi kịch?


Yêu thương không có lỗi, nhưng yêu thương đặt không đúng nơi, đúng chỗ sẽ tạo ra đau khổ. Không thể nhân danh yêu thương để biện minh cho sai lầm. Vì vậy, xem "Mẹ và người tình" mới thấy, muốn biết yêu thương cũng phải học cách yêu thương...

Ở một vở diễn nhiều tình huống, nhiều kịch tính và cảm xúc nội tâm như "Mẹ và người tình", các nghệ sĩ của sân khấu kịch Phú Nhuận hầu như có mọi cơ hội để tung ra những "mảng, miếng" của mình. Chững chạc trong phong cách diễn, sâu lắng và tinh tế trong từng cảm xúc nhỏ, NSƯT Hồng Vân có thể nói đã hoàn toàn làm chủ sân khấu dù vào vai bà già 60 tuổi. Bà Xuân của chị khi thì nồng nàn yêu hết mình một cách duyên dáng, khi lại rất bản lĩnh đối phó với mọi trắc trở, lúc cần thiết lại vô cùng cứng rắn, thậm chí sắt đá khiến các con vừa thương yêu vừa khiếp sợ. Bên cạnh chị, các nghệ sĩ Đức Hải, Xuân Trang, Minh Hoàng, Vân Anh, Bình Minh... đều như được nâng lên, diễn xuất một cách ăn ý khiến vở diễn thu hút từ đầu đến cuối. Thế nhưng, chính vì sự sắc xảo của chị, mà nghệ sĩ trẻ Thanh Vân đã trở thành mờ nhạt, bộc lộ rõ sự non tay khi không đào sâu được tính cách để tạo được sắc thái riêng cho nhân vật của mình. Vai Lan của Thanh Vân đã không thoát được hình ảnh các nhân vật trước đây, cũng một cách diễn ngúng nguẩy, đảo mắt và khi đau khổ thì... gào thét, vì thế chưa có gì mới trong cách diễn. Cặp Đức Hải - Vân Anh cũng lạm dụng thủ pháp gây cười bằng hình thể quá nhiều, gây nhàm chán vào các cảnh cuối khi khán giả đã không còn cười được nữa vì quá quen thuộc. Giá như đạo diễn Minh Nhí có được sự tiết chế chừng mực, hài hước hay bi kịch cũng cần vừa phải và hợp lý, thì "Mẹ và người tình" sẽ càng hoàn chỉnh hơn.

(Sưu tầm) 

Nhận xét